Các sản phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS sau một thời gian dài (ít nhất được 1 năm) sau rã đông, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi nguyên như vừa mới thu hoạch, giữ được cấu trúc mô – tế bào, màu sắc, hương vị, chất lượng sản phẩm.
CAS (Cells Alive System) hay “hệ thống tế bào còn sống” là công nghệ lạnh đông nhanh với chức năng CAS. CAS được sử dụng để bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm đạt được tiêu chí “Fresh CAS – tươi như CAS”.
Nguyên lý cơ bản của công nghệ CAS là sự kết hợp giữa quá trình lạnh đông nhanh (-30 đến – 60 độ C) và dao động từ trường (50 Hz đến 5 MHz). Sự khác biệt của công nghệ CAS với các công nghệ lạnh đông thông thường đó là sự cùng tác động của từ trường và quá trình lạnh đông nhanh đã làm cho nước (nước tự do và nước liên kết) trong tế bào sống đóng băng ở chỉ một số rất ít phân tử, nên không phá vỡ cấu trúc tế bào và cũng không làm biến tính các hợp chất sinh học (như protid, vitamin).
Chính điều đó và một số tác động khác của CAS đối với tế bào sống đã làm cho sản phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS giữ nguyên được chất lượng sau một thời gian dài (ít nhất 1 năm, nhiều nhất có thể đến hơn 10 năm).
Vừa qua, Tập đoàn ABI (Nhật Bản) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Công nghệ CAS và khả năng ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản hải sản và nông sản Việt Nam” với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Bộ công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của Tập đoàn ABI Nhật Bản, được đánh giá là một công nghệ tiên tiến, tích cực nhằm đạt được, khống chế và tối ưu hóa các thông số bảo quản.
Kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Bộ KH&CN tại Việt Nam với xoài cho thấy, xoài đông lạnh CAS không bị hư hỏng hay giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. Hơn nữa lại tiết kiệm được thời gian chế biến, góp phần hạ chi phí sản xuất. Dưa vàng cũng được bảo quản với chất lượng hoàn hảo, thành phần nước trong dưa, hương thơm, vị ngọt không hề bị mất đi trong quá trình bảo quản.
Các bài viết khác: Thuốc vải đặc trị